Những triệu chứng nhận biết bệnh do Virus Adeno.. .Các mẹ cẩn thận để phòng tránh - Thucdonchobe.com || PamaShop

Những triệu chứng nhận biết bệnh do Virus Adeno.. .Các mẹ cẩn thận để phòng tránh

Biểu hiện chung của những bé mắc bệnh do virus Adeno gây ra thường là sốt li bì mấy ngày không khỏi, viêm kết mạc 2 bên và tiêu chảy cấp…

Ngày 15/9, Bệnh viện Nhi Trung ương thông tin cảnh báo, từ tháng 8/2022 đến nay, số ca bệnh Adeno dương tính phát hiện tại đây gia tăng đột biến. Trong đó đã có 6 trường hợp bệnh nhân tử vong có nhiễm Adenovirus. Thông tin này nhanh chóng khiến các phụ huynh hoang mang, lo lắng không biết làm cách nào để đề phòng và cũng như các biểu hiệu của bệnh thế nào / Hãy cùng với Thucdonchobe.com đi tìm nguyên nhân và cách phòng cho các con các mẹ nhé.

Đi tìm căn nguyên

Mặc dù con trai hay ốm vặt nhưng chị Trang Trần (Hà Nội) không thể ngờ được bé lại nhiễm virus Adeno. Khi được bác sĩ chẩn đoán bệnh, mẹ Hà Nội không giấu được sự hoang mang. Cứ nghĩ con trai sốt li bì mấy ngày không khỏi là do cảm cúm thông thường, ngờ đâu con lại là 1 trong những bệnh nhân của đợt dịch Adeno lần này.

Chị Trang chia sẻ: “Thấy bé Gạo nhà mình sốt li bì, uống thuốc hạ sốt nhưng 2 ngày không đỡ, kèm theo với đó là ho và khò khè rất nhiều, mình tức tốc cho con đi viện Nhi Trung ương. Tại đây ban đầu các bác sĩ chẩn đoán con bị viêm họng có mủ. Sau khoảng 3 lần xét nghiệm máu và 3 lần lấy dịch tị hầu, xét nghiệm đủ các thể loại thì bác sĩ cũng tìm ra nguyên nhân gây bệnh cho Gạo là virus Adeno. Nó làm cháu sốt cao 6 ngày nay chưa cắt, co thắt phế quản ho nhiều gây ảnh hưởng nặng tới phổi. Cũng may mình đưa con đi viện sớm để bệnh tình của cháu được kịp thời chữa trị, không bị diễn biến nặng”.

Theo mẹ trẻ, ngay khi tìm ra nguyên nhân gây bệnh cho bé, các bác sĩ tại viện Nhi Trung ương đã điều trị bệnh cho con chị theo phác đồ trị liệu của bệnh viện. Đến ngày thứ 7 thì bé đã hết sốt và dần dần hồi phục trở lại. Chị Trang không giấu được vui mừng khi thấy tình trạng sức khỏe của con dần đi vào ổn định.

“Con cắt sốt được 48 tiếng thì các bác sĩ nói rằng tình trạng sức khỏe của bé không có gì đáng lo ngại nữa. Thật may con mình nhanh khỏi. Con 3 tuổi rồi nên khi ốm con chỉ kêu mệt chứ không quấy mẹ. Nhìn con thế mình càng thương. Cũng may vẫn ép con ăn được 1 chút cháo.

Lúc con mình nằm viện, có 1 cháu ở giường bên sốt hơn 11 ngày rồi không đỡ. Bé mất nước nhiều do sốt và bị tiêu chảy cấp (cũng may con mình không nặng đến nỗi bị tiêu chảy cấp và đau mắt đỏ) nên phải truyền nước và thở oxy. Cả người bé cứ cứng đơ ra. Các bác sĩ bảo nếu thêm 1 ngày nữa con không tỉnh mà cứ sốt li bì thì phải chọc tủy vì sợ viêm màng não. May sao hôm thứ 11 thì cháu tỉnh. Cả phòng bệnh nhìn trường hợp đó ai cũng xót xa. Mình cũng thấy may mắn vì con bị nhẹ. Lúc đầu chẳng biết con virus Adeno là gì, nhưng các bác sĩ tại bệnh viện nói nó nguy hiểm và gây các triệu chứng nặng hơn cả Covid-19, mình mới nghiêm túc phòng bệnh” – Chị Trang cho hay.

Hiện tại con trai chị Trang đã xuất viện về nhà và sức khỏe dần ổn định. Bác sĩ căn dặn chị Trang cho con ăn đủ dinh dưỡng, không cần kiêng khem gì. Ngoài ra cho bé ngủ đủ giấc, tránh hoạt động quá sức để con mau bình phục.

Cũng giống trường hợp của nhà chị Trang Trần, bé Bánh – con gái chị Ngô Kim Anh (Hà Nội) cũng mắc phải căn bệnh này. Bé mới được 15 tháng tuổi. Con bắt đầu có hiện tượng ho, sốt vào ngày 1/9. Khi đó mẹ cho con đi soi tai – mũi – họng thì được chẩn đoán con bị viêm tai giữa. Tại đây các bác sĩ đã kê đơn để bé mang về uống. Nhưng về nhà mặc dù bé đã được dùng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ nhưng không hạ sốt, triệu chứng của bệnh như ho, khò khè,… càng nặng hơn.

“Lúc này mình lại cho con đến phòng khám. Tại đây bác sĩ có làm một số xét nghiệm để tìm ra nguyên nhân sốt thì chỉ ra chỉ số bạch hầu cao (không làm xét nghiệm virus Adeno). Bác sĩ tại phòng khám khuyên mình nên đưa bé đến Bệnh viện Nhi Trung ương để truyền kháng sinh, sợ bé không đáp ứng được thuốc.

Ở viện, thấy con mình có dấu hiệu đau mắt đỏ, bác sĩ nghi ngờ con nhiễm virus Adeno nên cho làm xét nghiệm. Kết quả con dương tính. Sau đó bé được truyền kháng sinh thì đến chiều 6/9 con cắt cơn sốt. Bác sĩ cho bé khám lại, chụp chiếu phổi rồi tai mũi họng. Thấy con không sao, bác sĩ cho về vì sợ ở bệnh viện lại lây nhiễm chéo” – chị Kim Anh kể lại.

Phòng bệnh và phòng chống bệnh tái phát thế nào?

Sau khi con được xuất viện, cả chị Trang và chị Kim Anh đều được các bác sĩ nhắc nhở phải tiếp tục theo dõi tình trạng sức khỏe của bé. Bên cạnh đó, con cần được ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, ngủ đủ giấc và tránh hoạt động mạnh để sức khỏe mau chóng phục hồi. Ngoài ra, các bác sĩ còn dặn các mẹ nên giữ vệ sinh, đeo khẩu trang cho các bé, đặc biệt là khi đến những nơi công cộng. Việt Nam chưa có vắc-xin phòng ngừa Adenovirus. Vì thế cách tốt nhất để kiểm soát bệnh lây lan là phát hiện sớm, cảnh giác với các yếu tố lâm sàng, yếu tố dịch tễ để không bỏ lỡ xét nghiệm.

TS Nguyễn Phạm Anh Hoa – Trưởng khoa Gan mật, Bệnh viện Nhi Trung ương – cho hay, virus Adeno có thể tồn tại và gây bệnh được khá lâu ở ngoại cảnh. Cụ thể, virus này tồn tại được ở nhiệt độ phòng trong 30 ngày; nhiệt độ 37 độ C trong 15 ngày; 4 độ C trong nhiều tháng và âm 20 độ C trong nhiều năm.

Đây là loại virus lây qua đường hô hấp, chủ yếu gây nhiễm trùng hô hấp. Tuy nhiên, virus này cũng có thể gây bệnh ở các cơ quan khác như đường tiêu hóa, viêm bàng quang, viêm não màng não hay viêm kết mạc mắt (gây bệnh đau mắt đỏ). Những trẻ có những triệu chứng sốt, đau bụng, nôn, buồn nôn, tiêu chảy, mệt mỏi, vàng da, viêm kết mạc… cần được tới khám tại các cơ sở y tế. Điều trị cũng như các căn nguyên virus khác, chủ yếu là điều trị hỗ trợ và theo dõi các dấu hiệu nguy hiểm của bệnh.

Virus Adeno có khả năng lây lan nhanh trong cộng đồng và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời như suy hô hấp, nhiễm khuẩn huyết, suy đa tạng. Tuy nhiên các phụ huynh không cần quá lo lắng. Vì virus Adeno không phải virus mới. Tuy nhiên năm nay nó được nhắc nhiều đến hơn.

Việc phòng bệnh do virus Adeno gây ra cần tuân thủ theo nguyên tắc:

– Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, đeo khẩu trang, vệ sinh tay thường xuyên, đặc biệt trước khi chuẩn bị thức ăn, trước khi ăn, sau khi vệ sinh. Súc miệng nước muối hàng ngày,…

– Sử dụng nguồn thực phẩm sạch, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

– Giữ gìn môi trường sống của trẻ sạch sẽ, thoáng mát, không có khói, bụi, khói thuốc lá.

– Đặc biệt lưu ý phòng bệnh cho các trẻ trong các trường học, nhà trẻ bằng cách đảm bảo vệ sinh, dùng riêng đồ dùng cá nhân (ly uống nước, thìa, bát ăn, khăn mặt…).

– Không cho người lớn thơm hôn, mớm cơm cho trẻ.

– Xử lý chất thải thích hợp.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *