Trong giai đoạn bé tập ăn dặm, việc chế biến thực phẩm làm sao để đảm bảo an toàn cho bé và chắc chắn bé ăn được rất quan trọng. Nếu bạn đang băn khoăn về vấn đề này thì hãy theo dõi bài viết sau đây nhé! Mẹo vào bếp sẽ hướng dẫn cho bạn cách xay đồ ăn dặm đúng cách cho bé ăn ngon, an toàn và dinh dưỡng.
Rửa sạch nguyên liệu
Các bé sơ sinh, bé nhỏ tuổi đường ruột rất yếu, hệ tiêu hóa kém nên khả năng miễn dịch chưa tốt. Trên các nguyên liệu thường dính đất cát, sâu bọ, những vi khuẩn có hại, ba mẹ cần lưu ý rửa sạch tay, thực phẩm và dụng cụ nấu ăn trước khi chế biến để đảm bảo vệ sinh an toàn tuyệt đối cho bé.
Sơ chế nguyên liệu
Đây là bước bắt buộc phải làm để loại bỏ những vật chất khó tiêu hóa đối với các bé như vỏ, rễ, hạt, cuống,… Việc cắt nhỏ các nguyên liệu cũng làm cho quá trình nấu diễn ra dễ dàng hơn, các nguyên liệu được chín kỹ và đều hơn.
Lưu ý: Khi sử dụng thớt cắt nguyên liệu, ba mẹ nên chia ra ba loại thớt dùng riêng như một cái để cắt rau quả, một cái để cắt thịt sống và một cái cắt thịt chín để đảm bảo vệ sinh thực phẩm và tránh các vi khuẩn tấn công vào thức ăn của bé.
Tiến hành nấu
Bởi vì hệ tiêu hóa của các bé rất kém nên các loại rau củ như khoai tây, cà rốt, bí,… là những nguyên liệu cần phải được làm chín kỹ trước khi nghiền nhừ và cho bé ăn. Các loại thịt thì xay nhuyễn trước rồi nấu chín.
Ba mẹ có thể lựa chọn những cách như nướng, luộc, hấp để làm chín thức ăn. Nhưng để đảm bảo các chất dinh dưỡng trong thức ăn được đầy đủ nhất thì nên lựa chọn phương pháp hấp.
Hoặc đối với ba mẹ bận rộn cần tiết kiệm thời gian thì có thể dùng lò vi sóng để làm chín những khẩu phần ăn nhỏ của bé.
Xay/nghiền nhuyễn
Ở độ tuổi của các bé chưa mọc răng, đường ruột còn yếu kém thì ba mẹ bắt buộc phải nghiền hoặc xay nhuyễn các nguyên liệu ra để bé tiêu hóa dễ dàng hơn và tránh những trường hợp mắc nghẹn nguy hiểm.
Ba mẹ có thể dùng máy xay và cho một ít nước để hỗn hợp thật mịn nếu cần thiết. Đối với các bé còn quá nhỏ, để có thể chắc chắn rằng thức ăn nhuyễn mịn hoàn toàn thì ba mẹ có thể dùng rây lược qua một lần.
Kết hợp các loại thực phẩm
Thời gian đầu khi bé tập ăn dặm, việc cho bé ăn đơn độc một nguyên liệu là để xác định xem bé có thể bị dị ứng bởi nguyên liệu nào.
Nhưng sau một thời gian bé đã quen với các món ăn, ba mẹ cần phải kết hợp các nguyên liệu lại để tập cho bé làm quen với mùi vị của các món ăn và cũng để bổ sung đồng thời các chất cần thiết cho cơ thể phát triển khỏe mạnh của bé.
Ba mẹ có thể kết hợp các loại rau củ với nhau như bí và cà rốt, các loại trái cây như chuối và dâu tây, kết hợp rau củ với thịt xay hoặc cũng có thể kết hợp rau củ và trái như cà rốt và táo.
Bảo quản và cất giữ thực phẩm
Đối với những nguyên liệu còn thừa lại và có thể sử dụng tiếp, ba mẹ nên bọc kỹ và bảo quản vào tủ lạnh để tránh bị hỏng mốc.
Các nguyên liệu tươi sống như thịt nên được bảo quản ở ngăn đông để tránh sự xâm nhập của vi khuẩn. Các loại rau củ quả cần được rửa sạch và cất gọn gàng vào ngăn mát.
Thức ăn dặm đã chế biến xong còn dư lại thì ba mẹ có thể đậy kín, cất vào ngăn mát. Khi cần dùng đến thì cho vào lò vi sóng để hâm nóng lại và chỉ nên dùng trong vòng 3 ngày để đảm bảo chất dinh dưỡng cho bé.
Vứt bỏ những thức ăn thừa
Thức ăn của bé sau khi ăn xong còn thừa lại phải vứt bỏ. Miệng của bé cũng có vi khuẩn, việc tiếp xúc giữa miệng bé, muỗng và thức ăn đã truyền vi khuẩn qua lại.
Vì vậy, việc giữ lại thức ăn thừa sẽ tạo điều kiện để vi khuẩn sinh sôi, làm hỏng mốc thức ăn gây nguy hiểm cho bé nên chắc chắn hãy vứt tất cả những thức ăn thừa sau khi bữa ăn kết thúc nhé!
Với bài viết hướng dẫn cách xay đồ ăn dặm đúng cách cho bé ở trên, Điện máy XANH hy vọng các ông bố bà mẹ sẽ rút được kinh nghiệm và lưu ý trong quá trình chế biến thực phẩm cho các thiên thần nhỏ. Chúc các bé và gia đình ngày càng khỏe mạnh!